Liên kết Website
Thống kê truy cập
 

Sản xuất thông minh – Kỳ 1 – Cơ hội trong Cách mạng Công nghiệp 4.0

Thứ hai, 19/10/2020, 11:02 GMT+7

Nâng cao năng suất chất lượng trong ngành sản xuất là một mục tiêu đã được trải dài trong cuối thế kỷ 19, nhất là kể từ sau chiến tranh thế giới thứ II, nhằm phục hồi lại các nền kinh tế lay lắt vì đình trệ. Đây có thể được xem là thời kỷ hoàng kim với các ý tưởng, và hệ thống hoá ý tưởng hình thành nên các tiêu chuẩn, nguyên lý giúp đẩy nhanh tiến độ sản xuất, mang lại hiệu quả và giá trị tốt nhất cho người chủ sử dụng lao động. Tuy nhiên, về cơ bản vẫn hoạt động trên cơ chế thâm dụng lao động.

            Đến thế kỷ 20, lại là sự tăng trưởng vượt bậc của công nghê, sự ra đời của các máy tính cá nhân, và sự phát triển của ngành điện, điện tử giúp cho con người sở hữu được các máy tính với các bộ vi xử lý thông minh hơn, đa dạng hơn. Máy móc bắt đầu làm thay con người nhiều công việc, năng suất tăng cao hơn hơn nhưng chủ yếu còn theo hình thức 1:1 (1 người giám sát 1 máy).

            Trong thế kỷ 21, sự bùng nổ của cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0, các cuộc cách mạng số, những công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), hệ thống tự động kết nối cao (Internet of Thing), công nghệ nano, sinh học, vật liệu mới, năng lượng mới.... Thế hệ nhà máy thông minh ra đời tạo nên hình thức sản xuất mới: sản xuất thông minh. Máy học bắt đầu có được khả năng học sâu (Deep learning) và máy học (Machine Learing). Từ đó, có thể tập hợp các phân tích và đưa ra một số quyết định thay thế con người. Tuy còn hạn chế, nhưng ở một số lĩnh vực, máy học đã có khả năng thay thế con người, tự động vận hành, tự động sản xuất theo dây chuyền hàng loạt. Lượng sản phẩm làm ra ở giai đoạn này không còn là vấn đề, mục tiêu chính dần dần tập trung vào vấn đề chất lượng của sản phẩm, hàng hoá.

            Tuy nhiên, ở các nước đang phát triển, kém phát triển việc ứng dụng công nghệ trong công nghiệp sản xuất lại là điều khá mới mẻ, khó khăn khi thực hiện. Rào cản về nhận thức, kiến thức làm cho việc sẵn sàng chuyển đổi từ thâm dụng lao động sang thâm dụng máy móc dễ dàng gì để. Lý do đơn giản ở đây là nguồn vốn để thực thi việc chuyển đổi, thông tin về công nghệ, các trải nghiệm, tư duy còn bị hạn chế rất nhiều. Ngoài ra việc, chuyển đổi đòi hỏi phải có sự quan tâm, đầu tư thời gian, có chiến lược, kế hoạch lâu dài và mong muốn, khao khát của lãnh đạo doanh nghiệp.

            Trên thực tế, các nước đang phát triển sử dụng thâm dụng lao động là một công cụ để thu hút đầu tư. Còn các nước phát triển thì đổ xô vào các nước đang phát triển nhằm giảm thiểu chi phí và tận dụng nguồn lực sẵn có với giá rẻ.

            Từ đó, doanh nghiệp sẽ cạnh tranh bằng cách sử dụng nhiều lao động và tạo ra nhiều việc làm cho quốc gia đó thay vì bằng công nghệ, tập trung vào lượng nhiều hơn chất. Nhược điểm của chi phí lao động trong các ngành thâm dụng lao động bao gồm qui mô kinh tế hạn chế, vì một công ty không thể trả lương cho công nhân ít hơn bằng cách thuê thêm công nhân; và công ty dễ nhạy cảm với thị trường lao động. Nhìn bên ngoài thì có vẻ là hai bên cùng có có lợi, nhưng thực tế việc cung ứng, máy móc, công nghệ lạc hậu lại biến quốc gia tiếp nhận thành nơi tập trung rác thải.

            Ở góc độ nào đó, người lao động, về bản chất là sinh vật, sẽ bị hạn chế về yếu tố sinh lý như: sức khoẻ, thời gian, khả năng tái tạo sức lao động, năng lực, tình cảm, kỹ năng không đồng đều... Nhưng bù đắp lại người sử dụng lao động trình độ thấp có lợi thế nguồn nhân công dồi dào, dễ dàng tuyển dụng, ít tốn chi phí để đầu tư, bảo trì, linh động bố trí mặt bằng, dễ sa thải, cắt giảm,...

            Nếu xét về vĩ mô, thâm dụng lao động về lâu dài sẽ làm xói mòn và thoái hoá đi nền kinh tế quốc dân. Người dân trong nước sẽ vẫn chỉ mãi là người đi làm công ăn lương, thậm chí chủ doanh nghiệp cũng chỉ là doanh nghiệp gia công cho các công ty khác. Đôi khi còn hình thành thêm một thế hệ công dân thụ động lười suy nghĩ, cam chịu.

            Tóm lại, một lực lượng lao động hùng hậu, nhưng lại tay nghề kém và phụ thuộc hoàn toàn vào bên ngoài sẽ không thể nào xây dựng được nền kinh tế mạnh được. Quan trọng hơn là nguồn tài nguyên thiên nhiên của quốc gia sẽ bị bòn rút và nguồn rác thải từ máy móc lỗi thời, công nghệ kém sẽ tác động ngược lại vào môi trường sống của chính người dân bản địa.

            Do đó, thâm dụng lao động là giải pháp tạm thời, không phải việc làm căn cơ. Một quốc gia còn bị phụ thuộc vào thâm dụng lao động sẽ kém chủ động, và là nền kinh tế phụ thuộc khi phải chờ một quốc gia khác cung cấp việc làm cho mình và phải chịu các điều kiện bất bình đẳng.

            Nhưng, nếu như cách mạng ngành công nghiệp từ 1.0 - 3.0 mang lại các lợi ích và hiệu quả cho các Công ty/chủ đầu tư có tiềm lực về tài chính, công nghệ, có sự phát triển lâu đời. Thì ngược lại, công nghiệp 4.0 mang lại cơ hội phát triển công bằng cho tất cả, đây là chuỗi liên kết giữa các công nghệ với nhau, được tận dụng bởi cơ sở hạ tầng đã tồn tại trên thế giới và tối ưu hoá nó. Chỉ cần có tư duy, có năng lực, hiểu và ứng dụng được công nghệ, có giải pháp thì việc là tạo nên xu thế hoặc công nghệ, thông minh hoá sản xuất là việc có thể thực thi được, các yếu tố còn lại chỉ là yếu tố phụ trợ, chậm đổi mới đồng nghĩa với việc bị thụt lùi, lạc hậu.

            Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện tại đang phát triển đồng đều trên tất cả các lĩnh vực, chỉ cần tập trung mạnh vào sản xuất tự chủ sẽ xây dựng nên một khung xương vững chắc để gánh toàn bộ nền kinh tế quốc gia.

            Klaus Schwab đã nói: “Trong thế giới mới, không phải là cá lớn ăn cá nhỏ, mà là cá nhanh ăn cá chậm”. Và thực tế đã chứng minh điều đó, sự sụp đổ, thoái trào lần lượt của các ông lớn có thâm niên nhưng không chịu đổi mới, bảo thủ như Kodak, Nokia, Yahoo, Motorola, ... của nền công nghiệp 3.0 và sự trỗi dậy của các Công ty vô danh như Google, Facebook, Microsoft,... Do đó, trong giai đoạn đầu của cuộc cách mạng, càng nhanh chóng tiếp cận công nghệ, càng nhanh chóng nắm bắt được tương lai. Cả thế giới đang lao vào để chuyển đổi công nghệ thì không lý do gì Việt Nam chung đứng ngoài để chờ đợi được, cơ hội là trải đều cho tất cả mọi người quan tâm.

            Trong phạm vi loạt bài này, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng mong muốn mang lại cho quý bạn đọc thông tin kiến thức nền tảng về công nghiệp 4.0 và các yếu tố liên quan. Mục tiêu cuối cùng của cách mạng chính là sản xuất thông minh, bằng cách tận dụng công nghệ, máy móc nhằm giảm thiểu lao động, chi phí và tối ưu về quá trình sản xuất, chi phí sản xuất, nguyên liệu sản xuất, chuyển từ thâm dụng lao động sang thâm dụng trí tuệ, và thâm dụng máy móc. Khi đó một quốc gia tự chủ về công nghệ sẽ là một quốc gia mạnh về kinh tế.


Nguồn: Phòng Quản lý Năng suất Chất lượng

Các tin khác :


Giới hạn tin theo ngày :   từ     đến