Liên kết Website
Thống kê truy cập
 

Vai trò, định hướng thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm rau quả tươi trên địa bàn thành phố hồ chí minh

Thứ ba, 05/09/2023, 11:34 GMT+7

Ngày nay, trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, việc sử dụng các giải pháp công nghệ trong thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa (Phương pháp truy xuất nguồn gốc điện tử) được xem là phương pháp thông tin hiện đại được sử dụng khá phổ biến, với việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa thông qua các mã vạch, mã QR (tem truy xuất) để các đối tượng quan tâm có thể nắm bắt thông tin về nguồn gốc và chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Việc áp dụng phương pháp truy xuất nguồn gốc điện tử này có thể thực hiện linh hoạt, đa dạng, sử dụng đa nền tảng, đáp ứng yêu cầu các tiêu chuẩn truy xuất nguồn gốc, phù hợp với nhiều loại sản phẩm, hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng có đặc thù dễ hư hỏng, thời gian bảo quản ngắn như rau quả tươi.

Tuy nhiên, hoạt động truy xuất nguồn gốc thông qua tem truy xuất này đến nay còn khá sơ sài, chưa được chuẩn hóa về nội dung và hình thức. Tem truy xuất mới chỉ sử dụng được hệ thống mã nội bộ, chỉ có khả năng truy xuất trong cùng hệ thống, chưa đầy đủ thông tin truy xuất nguồn gốc, nhất là chưa có thông tin về các khâu "đầu vào" của quá trình sản xuất - khâu quyết định chất lượng sản phẩm, chưa đáp ứng đúng yêu cầu truy xuất nguồn gốc. Do đó, chưa đem lại niềm tin cho người tiêu dùng.

Ngày 12 tháng 4 năm 2023, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 1383/QĐ-UBND về phê duyệt Danh mục sản phẩm, hàng hóa ưu tiên triển khai truy xuất nguồn gốc trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, theo đó sản phẩm Rau quả tươi là một trong bảy nhóm sản phẩm, hàng hóa ưu tiên triển khai truy xuất nguồn gốc, có lộ trình thực hiện từ năm 2023 đến năm 2030, thực hiện theo các tiêu chuẩn quốc gia TCVN 12850:2019 (Truy xuất nguồn gốc - Yêu cầu chung đối với hệ thống truy xuất nguồn gốc) và  TCVN 12827:2019 (Truy xuất nguồn gốc - Yêu cầu đối với chuỗi cung ứng rau quả tươi). Các tiêu chuẩn quốc gia này là cơ sở để các doanh nghiệp chuẩn hóa hoạt động truy xuất nguồn gốc.

Xét theo TCVN 12850:2019 “Truy xuất nguồn gốc - Yêu cầu chung đối với hệ thống truy xuất nguồn gốc”, hệ thống truy xuất nguồn gốc phải bảo đảm các nguyên tắc sau:

+ Nguyên tắc “Một bước trước - một bước sau”: Để bảo đảm khả năng giám sát, nhận diện được công đoạn sản xuất, kinh doanh trước và công đoạn sản xuất, kinh doanh tiếp theo trong quá trình sản xuất, kinh doanh đối với một sản phẩm.

+ Nguyên tắc “sẵn có của phần tử dữ liệu chính”: Các phần tử dữ liệu chính phải được thu thập, lưu trữ và cập nhật kịp thời trong các báo cáo thông tin chi tiết về các sự kiện quan trọng trong quá trình sản xuất và chuỗi cung ứng.

+ Nguyên tắc “minh bạch”: Hệ thống truy xuất nguồn gốc phải đạt yêu cầu về tính minh bạch tối thiểu bằng cách sử dụng dữ liệu tĩnh về khách hàng, bên cung ứng, sản phẩm và các điều kiện sản xuất.

+ Nguyên tắc “có sự tham gia đầy đủ các bên truy xuất nguồn gốc”: Hệ thống truy xuất nguồn gốc phải có sự tham gia của đầy đủ các bên truy xuất nguồn gốc của tổ chức.

Xét theo TCVN 12827:2019 “Truy xuất nguồn gốc - Yêu cầu đối với chuỗi cung ứng rau quả tươi”, các loại hình cơ sở sản xuất kinh doanh đối với chuỗi cung ứng rau quả tươi bao gồm:

  1. Cơ sở trồng trọt
  2. Cơ sở đóng gói và đóng gói lại
  3. Nhà phân phối và nhà bán buôn
  4. Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và cơ sở bán lẻ

Tiêu chuẩn này đưa ra các yêu cầu cụ thể đối với mỗi khâu trong chuỗi cung ứng để truy xuất nguồn gốc rau quả tươi. Do đó khi hệ thống truy xuất nguồn gốc rau quả tươi được thực hiện một cách toàn diện theo các yêu cầu của tiêu chuẩn này và các tiêu chuẩn liên quan về truy xuất nguồn gốc cùng với việc thực hiện trên môi trường điện tử sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu thập, lưu trữ, chia sẻ, liên kết dữ liệu truy xuất nguồn gốc, đem lại nhiều lợi ích cho chính doanh nghiệp trong quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản lý chất lượng và an toàn sản phẩm, quản lý mối quan hệ tương tác trong nội bộ cũng như với các bên tham gia trong chuỗi cung ứng, minh bạch thông tin và nâng cao uy tín của doanh nghiệp. Từ đó, quyền lợi của người tiêu dùng được đảm bảo và từng bước nâng cao hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về kiểm soát chất lượng sản phẩm, hàng hóa.


Nguồn: Phòng Quản lý Tiêu chuẩn và TBT

Giới hạn tin theo ngày :   từ     đến