Vai trò, định hướng thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm thịt gia súc, thịt gia cầm trên địa bàn Thành phố Hồ Chí MinhThứ hai, 02/10/2023, 15:36 GMT+7 Ngày nay, đời sống xã hội ngày càng phát triển và ý thức của người tiêu dùng trong việc lựa chọn sản phẩm, hàng hóa ngày càng cao, người tiêu dùng đặc biệt quan tâm nhiều hơn đến chất lượng sản phẩm nói chung và những loại sản phẩm, hàng hóa có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe nói riêng như nông sản, lương thực, thực phẩm … Trong bối cảnh hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái vẫn còn, gây ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe người dân và thương hiệu, uy tín của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Để đảm bảo quyền và lợi ích của người dân, các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng đã tích cực triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân từ thành thị đến nông thôn. Thành phố Hồ Chí Minh với vai trò là đầu tàu kinh tế của cả nước, là hạt nhân của khu vực Nam Bộ - nơi nuôi trồng các sản phẩm nông nghiệp lớn nhất cả nước và là thị trường tiêu thụ nông sản lớn nhất. Vì vậy, từ năm 2016 Thành phố Hồ Chí Minh đã sớm ban hành nhiều chính sách nhằm triển khai thực hiện và thúc đẩy hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, trong đó sản phẩm tiêu thụ nhiều, thường xuyên như thịt heo, thịt gia cầm và trứng gia cầm được triển khai và mang lại nhiều kết quả quan trọng đối với công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Ngày 12 tháng 4 năm 2023, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 1383/QĐ-UBND về phê duyệt Danh mục sản phẩm, hàng hóa ưu tiên triển khai truy xuất nguồn gốc trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, theo đó sản phẩm thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm là nhóm sản phẩm, hàng hóa ưu tiên triển khai truy xuất nguồn gốc trên địa bàn Thành phố theo các tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về truy xuất nguồn gốc có liên quan, có lộ trình thực hiện từ năm 2023 đến năm 2025. Hoạt động truy xuất nguồn gốc đối với chuỗi cung ứng thịt gia súc (bao gồm thịt heo), thịt gia cầm được quy định trong bộ TCVN 13166 Truy xuất nguồn gốc - Yêu cầu đối với chuỗi cung ứng thịt gia súc và gia cầm gồm các phần sau đây: - TCVN 13166-1:2020, Phần 1: Yêu cầu chung; - TCVN 13166-2:2020, Phần 2: Thịt trâu và thịt bò; - TCVN 13166-3:2020, Phần 3: Thịt cừu; - TCVN 13166-4:2020, Phần 4: Thịt lợn; - TCVN 13166-5:2020, Phần 5: Thịt gia cầm. Bộ TCVN 13166 đã đưa ra các yêu cầu chung đối với chuỗi cung ứng thịt gia súc và gia cầm (bao gồm thịt tươi, thịt mát, thịt đông lạnh) và các yêu cầu đối với từng sản phẩm cụ thể như thịt trâu, thịt bò, thịt cừu, thịt lợn, thịt gia cầm. Theo đó, các loại hình cơ sở sản xuất, kinh doanh trong chuỗi cung ứng được xác định trong bộ TCVN 13166 bao gồm: cơ sở chăn nuôi; cơ sở vận chuyển; cơ sở giết mổ; cơ sở sơ chế, chế biến; nhà phân phối; cơ sở bán lẻ. TCVN 13166 được áp dụng đồng thời với TCVN 12850:2019 Truy xuất nguồn gốc – Yêu cầu chung đối với hệ thống truy xuất nguồn gốc, đảm bảo đáp ứng các nguyên tắc chung được nêu trong TCVN 12850:2019, cụ thể: - Nguyên tắc “Một bước trước - một bước sau”: Để bảo đảm khả năng giám sát, nhận diện được công đoạn sản xuất, kinh doanh trước và công đoạn sản xuất, kinh doanh tiếp theo trong quá trình sản xuất, kinh doanh đối với một sản phẩm. - Nguyên tắc “Sẵn có của phần tử dữ liệu chính”: Các phần tử dữ liệu chính phải được thu thập, lưu trữ và cập nhật kịp thời trong các báo cáo thông tin chi tiết về các sự kiện quan trọng trong quá trình sản xuất và chuỗi cung ứng. - Nguyên tắc “Minh bạch”: Hệ thống truy xuất nguồn gốc phải đạt yêu cầu về tính minh bạch tối thiểu bằng cách sử dụng dữ liệu tĩnh về khách hàng, bên cung ứng, sản phẩm và các điều kiện sản xuất. - Nguyên tắc “Có sự tham gia đầy đủ các bên truy xuất nguồn gốc”: Hệ thống truy xuất nguồn gốc phải có sự tham gia của đầy đủ các bên truy xuất nguồn gốc của tổ chức. Các Tiêu chuẩn quốc gia nêu trên là cơ sở để các doanh nghiệp chuẩn hóa hoạt động truy xuất nguồn gốc. Do đó, khi hệ thống truy xuất nguồn gốc thịt gia súc, thịt gia cầm được thực hiện một cách toàn diện theo các yêu cầu của các tiêu chuẩn liên quan về truy xuất nguồn gốc cùng với việc thực hiện trên môi trường điện tử sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu thập, lưu trữ, chia sẻ, liên kết dữ liệu truy xuất nguồn gốc, giúp kiểm soát được một đơn vị sản phẩm qua từng công đoạn của quá trình sản xuất, chế biến, vận chuyển, lưu trữ và phân phối. Đồng thời, việc truy xuất nguồn gốc còn hỗ trợ công tác thu hồi sản phẩm khi có sự cố về an toàn thực phẩm. Nguồn: Phòng Quản lý Tiêu chuẩn và TBT
Các tin khác :
|